Những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam
Tết Nguyên Đán là một ngày lễ lớn của toàn dân tộc nhưng trên mỗi vùng miền đất nước lại có những nét độc đáo riêng, trong đó không thể không kể đến ẩm thực. Hãy cùng Gamevui điểm qua những món ăn thường xuất hiện trong mâm cỗ Tết ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam xem có gì khác biệt và đặc sắc nhé.
Nội dung chính
Món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Bắc
1. Bánh chưng
Nhắc đến Tết cổ truyền không thể không nhắc tới bánh chưng – tinh hoa đất trời mâm cỗ Tết của người miền Bắc. Bánh chưng được làm từ hạt gạo tinh túy cùng đỗ xanh ngọt bùi, thịt heo béo ngậy hòa quyện cùng dưa hành và chút tiêu cay nhẹ, tạo ra một món ngon tròn vị, ấm lòng người con xa xứ.
Bánh chưng tượng trưng cho trời, gắn liền với sự tích Lang Liêu đời vua Hùng thứ mười sáu, mang đầy ý nghĩa văn hóa dân tộc. Bánh chưng được làm bằng lá dong với dây lạt buộc xung quanh mang ý nghĩa gắn kết các thành viên trong gia đình
2. Gà luộc
Dân gian cho rằng, gà luộc dâng lên đất trời sẽ mang lại những may mắn, thuận lợi và ấm no cho cả năm. Gà luộc có màu vàng đặc trưng, thường được bày nguyên con cùng với xôi thành cỗ cúng giao thừa, tất niên ngày Tết. Ngoài ra, nếu được dọn thành mâm, gà sẽ được các bà và các mẹ chặt ra thành miếng đều tay, rải thêm chút lá chanh thái mỏng, ăn kèm với muối tiêu chanh. Bí quyết luộc gà có màu đẹp mắt là thêm một chút nghệ vào nước luộc để có màu vàng tươi nhẹ nhàng, luộc với lửa nhỏ để gà chín đều, không bị tróc da phía ngoài.
3. Thịt đông
Từ xa xưa, khi tủ lạnh còn chưa thịnh hành như bây giờ, món thịt đông được xem như là món ăn đặc trưng của thời tiết se lạnh miền Bắc. Món thịt đông được làm từ thịt gà hoặc thịt lợn, thường được chọn từ phần giò lợn, kèm theo mộc nhĩ và cà rốt. Món ăn được ninh nhừ và để cho đông lại. Món thịt đông vừa đẹp mắt lại vừa là cách giúp bảo quản thịt được lâu hơn.
4. Xôi gấc
Cây gấc rất thích hợp khi trồng vào khoảng thời gian mùa đông ở miền Bắc. Qủa gấc chứa nhiều vitamin, có vị đỏ tự nhiên cùng phần cùi béo ngậy. Gấc kết hợp cùng với hạt nếp dẻo thơm phức tạo nên một món xôi nóng hổi khiến bao thực khách khó kiềm lòng. Xôi gấc không chỉ có vị ngon hấp dẫn mà còn rất tốt cho sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, tốt cho tim mạch và phòng ngừa các bệnh về mắt
Cũng chính vì màu đỏ đặc trưng của xôi gấc mà người dân miền Bắc thường chọn món ăn này cho mâm cỗ ngày tết để cầu bình an và may mắn. Đây cũng là món ăn dùng để thiết đãi bạn bè, người thân ngày tết với mong muốn trao tặng sự an lành và tài lộc cho cả năm
5. Dưa hành
Dưa hành được biết đến như món ăn kèm với bánh chưng hoặc thịt kho để giảm độ béo ngậy cũng như giúp ngon miệng hơn. Dưa hành có vị chua và cay nhẹ, được làm bằng cách muối trực tiếp củ hành với nước muối để dài ngày, ngoài ra có thể thêm su hào hoặc cà rốt để món dưa hành thêm đẹp mắt và ngon hơn. Không chỉ giúp gia tăng hương vị cho các món ăn khác, dưa hành còn tốt cho hệ tiêu hóa, giúp dạ dày của bạn nhẹ nhàng hơn trong những ngày Tết đầy ắp đồ ăn.
6. Thịt bò kho
Món ăn này luôn hiện diện trên mâm cỗ sum vầy tại miền Bắc mỗi dịp nghênh đón một năm mới an lành. Với hương thơm đặc trưng, thịt bò kho đã trở thành một dấu ấn khó phai trong nền ẩm thực trù phú Bắc Bộ.
Món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Trung
1. Dưa món
Dưa món được kết hợp từ nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu, su hào… muối chua. Là món ăn kèm cùng bánh chưng, bánh tét… Bữa ăn ngày Tết thường rất nhiều dầu mỡ dễ ngán, ăn cùng dưa món là một lựa chọn tuyệt vời.
2. Thịt ngâm mắm
Có thể là thịt lợn hay thịt bò tùy thích, cách chế biến đơn giản, sơ chế xong được ngâm vào nước mắm đường đã được pha nấu theo tỉ lệ nhất định, khi ăn thái lát và ăn cùng dưa món ngon tuyệt cú mèo
3. Bánh Tét
Bánh tét là loại bánh gần giống bánh chưng nhưng lại có dạng trụ giống giò. Bánh tét được gói bằng lá chuối thay vì lá dong. Khi ăn bánh được cắt bằng dây lạt thành khoanh tròn, có thể ăn ngay hoặc rán lên, và thường được ăn cùng dưa món. Đây là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết ở Miền Trung.
4. Tré
Tré là món rất thú vị để ăn ngày Tết, bởi sự mộc mạc từ những nguyên liệu “rẻ tiền” như mũi heo, tai heo, ba chỉ, bì…dùng để nhâm nhi nhắm rượu, ăn chơi rất phù hợp.
5. Nem chua
Nem chua đi kèm chả lụa, bên mâm cơm ngày Tết là những cục nem hồng hào hấp dẫn bọc qua lớp lá ổi được gói bên ngoài bởi lá chuối. Nem miền Trung mịn màng, hương vị dịu nhẹ, ăn kèm tép tỏi cho tăng hương vị.
Món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Nam
1. Thịt kho nước dừa
Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam đó là thịt kho nước dừa. Để có món thịt kho ngon, bạn nên kho thịt ba chỉ cùng trứng vịt luộc cho đến khi nước dùng sánh lại và các nguyên liệu trên đều chuyển sang màu vàng nâu. Người ta thường thưởng thức thịt kho cùng cơm trắng với dưa món để tăng thêm hương vị đậm đà
2. Canh khổ qua
Đối với người miền Nam, canh khổ qua nhồi thịt mang ý nghĩa cầu mong khó khăn đi qua để đón điều thuận lợi may mắn và tươi sáng cho một năm mới đến. Món ăn này tuy có vị hơi đắng một chút nhưng lại có công dụng tốt cho sức khoẻ, nhất là trong dịp Tết
3. Củ kiệu tôm khô
Là món ăn kèm không thể thiếu trong các bữa ăn của người miền Nam vào dịp Tết. Bởi vị chua của củ kiệu giúp cho các món ăn chính đỡ ngán hơn
4. Lạp xưởng
Vào dịp Tết, tìm mua lạp xưởng ngon để ăn và đãi khách là nhu cầu không thể thiếu của bà con Nam Bộ. Lạp xưởng trong Nam có nhiều loại: lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô, lạp xưởng nạc, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá… nhiều địa phương miền Tây nổi danh với món lạp xưởng như Sóc Trăng, Cần Giuộc (Long An), An Giang… Lạp xưởng có thể luộc, chiên, nướng trước khi ăn. Cách được nhiều người ưa chuộng là chiên bằng nước (không dùng dầu), vừa ngon vừa an toàn cho sức khỏe.
5. Dưa giá
Dưa giá là món dưa muối rất được ưa thích vì tính mát, vị giòn ngon của nó. Dưa giá ăn với cơm, cuốn bánh tráng nhưng thích hợp nhất vẫn là ăn kèm thịt kho trong mấy ngày Tết vì tác dụng giải ngấy rất hiệu nghiệm. Thành phần trong món dưa giá gồm giá, hẹ, cà rốt, rất bổ dưỡng cho cơ thể. Món này có thể muối xổi hoặc muối kỹ.
6. Gỏi gà
Gỏi gà được xem là một món ăn mang lại cảm giác rất tuyệt và không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết miền Nam. Món ăn này có vị chua ngọt lại chế biến tuyệt ngon chứa nhiều chất dinh dưỡng mà ai ăn cũng ghiền. Bạn có thể ăn thoải mái mà không lo sẽ tăng cân khi thưởng thức món ăn này thế nên nó là một món ăn đặc biệt mà gia đình nào cũng thích mê.
Như vậy, chúng ta đã đi một vòng quanh đất nước để khám phá nét văn hóa ẩm thực của cả 3 miền. Có thể nói, mỗi nơi sẽ có những nét độc đáo, thú vị riêng đủ sức lôi cuốn du khách trải nghiệm.
Bài viết liên quan

Bài viết mới nhất
-
Danh sách bản đồ King Legacy đầy đủ, chi tiết nhất
-
Bảng xếp hạng Trái Ác Quỷ King Legacy mới nhất
-
Cách lên cấp nhanh trong Fisch
-
Hướng dẫn nhận Godly Luffy Gear 5 trong Anime Last Stand
-
8 nhẫn thuật trong Naruto cực mạnh nhưng hầu như rất hiếm được sử dụng
-
Top 5 game đánh máy miễn phí hay nhất giúp bạn thành cao thủ đánh máy
Mẹo vặt
-
SOS là gì trên Facebook?
-
Thủ thuật đồng bộ tin nhắn Zalo trên máy tính và điện thoại
-
Xem video Youtube lỗi id phát lại và cách khắc phục tạm thời
-
Những bài thơ chế hài hước, độc lạ cho ngày 8/3
-
3 mẹo sữa lỗi gõ số ra chữ hoặc gõ chữ ra số trên Laptop
-
Cách tạo ảnh bìa Facebook theo tên mình trong 1 nốt nhạc